TIN GIÁO DỤC


Những ai còn ủng hộ dạy thêm, hãy đọc những ý kiến này của thầy Nguyễn Tùng Lâm

(GDVN) - Việc giáo viên chạy theo cơ chế thị trường khi đeo đuổi dạy thêm khiến một số thầy cô vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi ăn bớt kiến thức trên lớp.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, trước hết, cần phân biệt học thêm xuất phát từ nhu cầu thực sự với học thêm theo kiểu trào lưu, chạy đua hoặc bị ép buộc. 

Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới nhu cầu học thêm dạy thêm khá lớn, đặc biệt là tại các quốc gia châu Á. Việc dạy thêm học thêm không có gì xấu nếu nhằm mục đích trang bị cho người học thêm hiểu biết về những vấn đề chuyên sâu phục vụ nhu cầu phát triển, phù hợp mỗi cá nhân. 

Đây là nhu cầu có thật và người dạy thêm đáp ứng nhu cầu đó là hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên, việc học thêm dạy thêm tràn lan theo cách các thầy cô đang thực hiện hiện nay thì lại đem đến nguy cơ khiến cho nền giáo dục càng tụt hậu thay vì phát triển lên. 

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, nguyên nhân là học sinh học thêm là được thầy chỉ bảo, hướng dẫn, dẫn tới thói quen không tốt, thụ động chờ đợi được làm hộ, chỉ sẵn, mớm thêm thay vì phải tự mình vận động, tư duy. 

TS. Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh Xuân Trung

“Điều học sinh hiện nay cần là phải tự học, tự tư duy, đeo đuổi vấn đề đến cùng, luôn có hoài bão ước mơ. Chỉ khi không hiểu mới cần thầy trợ giúp. Việc dạy thêm học thêm tràn lan ở bậc phổ thông đang dẫn tới tình trạng học sinh mất hẳn tính độc lập, sáng tạo, là những yêu cầu rất cần thiết khi học lên đại học” TS. Tùng Lâm chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, ở một khía cạnh nào đó, học trò đi học thêm tràn lan theo phong trào hoặc bị ép buộc một cách thường xuyên từ năm này sang năm khác sẽ dễ gặp phải những khuyết tật về trí tuệ và nhân cách: Học sinh dễ ỷ lại vào thầy cô, thiếu nỗ lực cá nhân, không biết tự học, thiếu tự tin, tính độc lập tự chủ, sáng tạo yếu. 

Từ đó gây nên chán học, thiếu ý thức vươn lên. Khả năng tự chủ tự lập vươn lên khi cuộc sống khó khăn, hoặc gặp những vấn đề khó giải quyết, các em dễ buông xuôi, dễ thỏa hiệp, đầu hàng, chưa kể một số học sinh do bị ép buộc học tập tính tình dễ cáu bẳn hoặc trầm cảm…

Việc dạy thêm tràn lan khiến hình ảnh người giáo viên đang mất dần sự tôn trọng trong con mắt phụ huynh học sinh chính là từ dạy thêm học thêm.

Việc giáo viên chạy theo cơ chế thị trường khi đeo đuổi dạy thêm khiến một số thầy cô vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi ăn bớt kiến thức trên lớp, dùng thủ đoạn để ép buộc học sinh học thêm. 

Có thể nói không quá là việc học thêm trên lớp hiện nay chủ yếu là do phụ huynh học sinh chịu sức ép từ thầy cô. Thực tế, nhiều phụ huynh chỉ đánh trống ghi tên, đóng tiền nhưng không cho con đi học thêm ở trường vì không muốn con mất thời gian, công sức trong khi đã tầm sư học đạo bên ngoài. 

“Dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học còn đem lại nhiều tác động xấu hơn nữa. Hiện có tình trạng thu nhập của giáo viên tiểu học cao hơn giáo viên THPT vì nhà nhà đều cho con đi học thêm. 

Trong khi đó, lứa tuổi tiểu học lại là lứa tuổi tránh tạo áp lực học tập, cần khuyến khích học sinh tiểu học phát triển toàn diện như tăng cường hoạt động thể chất, kỹ năng, lối sống, hội họa, âm nhạc... 

Hơn nữa, việc quá chăm chú vào học thêm các môn Văn, Toán, Tiếng Anh là một sai lầm bởi việc học thêm các môn này chỉ nhằm phục vụ các kỳ thi thay vì để phát triển năng lực cá nhân từng học sinh. 

Như nghiên cứu của thế giới, trí thông minh của trẻ em được chia làm 8 loại nhưng nếu chỉ đầu tư Văn, Toán thì vô hình chung chỉ chú trọng đến một vài mặt phát triển của trẻ mà coi nhẹ các năng lực khác đáng được thúc đẩy” nhận định của TS. Nguyễn Tùng Lâm.
 
Làm thế nào để thực hiện cấm dạy thêm triệt để?

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, trước hết học sinh và phụ huynh phải nhận thức được khi nào nên học thêm khi nào không nên học thêm. Các bậc cha mẹ học sinh cần hiểu đúng vấn đề này, không vì kỳ vọng quá mà làm khổ con phải học thêm. 

“Phụ huynh cần tự nhận thức học thêm như thế nào là phù hợp và cần thiết. Chỉ học những cái để phát huy năng khiếu của con, học thêm khi con còn thiếu, còn yếu. 

Học thêm chỉ cần ở một giai đoạn phù hợp chứ không phải đeo đẳng suốt đời, để con tự đi, tự làm. Không phải cứ có tiền là bắt con học thêm hết lớp này đến khoá kia. Nhận thức của cha mẹ và học sinh chuẩn xác thì sẽ thay đổi được tình trạng học thêm theo phong trào” TS. Tùng Lâm cho biết.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Tùng Lâm cho rằng, người học bất kỳ ở cấp học nào cũng cần phải tự giác và tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả học tập của bản thân.

Riêng với ngành giáo dục, việc tổ chức dạy học ở nhà trường phải làm rõ trách nhiệm giáo viên trong việc dẫn dắt học sinh, phải giúp học sinh tự rèn luyện là chính. 

Phải chỉ đạo để các thầy cô nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tôn vinh thầy cô biết cách dạy học sinh biết tự học, tự chủ. Muốn vậy nhà trường phải thực sự dân chủ, lấy ý kiến học sinh để có đánh giá khách quan đối với công tác dạy học của giáo viên. 

“Như vậy, hiệu trưởng sẽ biết được thầy cô nào dạy dễ hiểu, quan tâm giúp đỡ học sinh, thầy cô nào dạy còn khó hiểu, chưa hoà đồng, thu hút học sinh. Việc công khai những thông tin này sẽ giúp giáo viên xem xét, điều chỉnh lại công việc của mình. 

Bên cạnh đó, nhà trường phải mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực, chịu trách nhiệm với các hoạt động trong và ngoài trường liên quan đến giáo viên, học sinh của mình”TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết. 

Cũng theo Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, những nơi xảy ra dạy thêm học thêm phải quy trách nhiệm cho hiệu trưởng. Ở đây cần loại bỏ những kiểu thoả hiệp cho giáo viên dạy thêm không đúng quy định bởi không thể chỉ quy là lương thấp mà cố tình tổ chức dạy thêm học thêm, nghề nào cũng đều có cái khó phải chấp nhận nếu đã lựa chọn. 

Còn việc giáo viên giỏi có thể tham gia dạy thêm tại các trung tâm theo dạy nhu cầu thực thì không ai cấm.

“Việc cầm dạy thêm học thêm hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có sự đồng tình, hiểu đúng vấn đề từ phụ huynh và ý thức trách nhiệm của thầy cô cũng như các nhà quản lý” TS. Tùng Lâm nêu quan điểm.

Tin Tức Liên Quan

0865 00 33 79